Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Cho gì (Kiṃdadasuttaṃ)/ Diem Tuyet ghi chep

Cho gì (Kiṃdadasuttaṃ).
Diem Tuyet ghi lai
Nguon: facebook
Có người (khuyết danh) đến hỏi Đức Phật: Ai trong đời này cũng cần có sức mạnh, có nhan sắc, có thoải mái hạnh phúc, nhưng khổ cái muốn có những cái đó phải làm sao, bố thí cái gì để mai mốt mình có những thứ ấy, cho cái gì để được nhiều?
“Cho gì là cho lực? Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc? Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả? Xin đáp điều con hỏi?”
Xin nhắc lại chỗ này, bà con làm ơn nhớ giùm vì nó vô cùng quan trọng. Cái gì mình thấy nó thường mình cho nó bình thường, cái gì mình thấy nó bình thường mình diễn nó ra thành tầm thường, mà đã tầm thường rồi thì mắc gì mình phải nhớ. Tôi xin nói rõ, cái gì mình nghe thường thấy thường nó là bình thường, nhưng bình thường chưa chắc là tầm thường. Xin hỏi bà con có phân biệt được bình thường và tầm thường hay không. Bình thường là normal, tầm thường là cheap. Cái gọi là bình thường chưa chắc nó tầm thường đâu, ví dụ chữ hiếu, mình nghe hoài, từ 15 tuổi trở lên đã nghe, chữ Hiếu sâu vô cùng, không phải nó là quần là áo lượt, sinh nhật, trầm hương chúc thọ… mới là hiếu. Kéo giùm cái mền cho mẹ, thay giùm bình trà nóng cho cha, đó là hiếu. Một ngày thấy cha ngó mông ra đường, hai giờ sáng thấy mẹ còn trăn trở bên giường, phải hỏi, đó là hiếu. Chuyện vậy mà ít người để ý.
Ở đây tôi muốn nói câu tôi cho là quan trọng là thế này, có những câu hỏi được Đức Phật trả lời theo nhiều cách, đối với A ngài trả lời khác, đối với B ngài trả lời khác không phải mâu thuẫn bởi ngài nhìn vào căn tánh của người đó. Có bài kinh khác Đức Phật trả lời không giống bài kinh này. Có nhiều người lẽ ra ngài nói sâu hơn rộng hơn nhưng không, tới đó ngài dừng, vì sức của người hỏi đến đó là đủ. Đức Phật luôn luôn chính xác, luôn cần và đủ, không dư không thiếu, dư có thể bớt, thiếu có thể thêm nhưng Đức Phật Chánh đẳng giác thì không có chuyện đó, một khi đã nói thì không có gì để bớt không có gì để thêm, chính xác như một giọt nước.
Trong trường hợp này ngài giải thích thế này: Cho thức ăn chính là cho sức khỏe, (dĩ nhiên trong trường hợp này thôi, chớ trong trường hợp khác có khi ngài nói cho thuốc men là là cho sức khỏe, hoặc giúp đỡ tay chân cho người khác..vv siêng phục vụ giúp đỡ người khác thì đời sau kiếp khác sinh ra mạnh khỏe không bệnh tật. Không giết chóc hành hạ ai thì đời sau mình sanh ra khỏe mạnh. Hoặc dùng sức để làm chuyện gì đó mang ý nghĩa hỗ trợ cho chánh pháp, ví dụ ngày mai có lễ dâng y hôm nay mình dùng sức khiêng cây, che rạp cho buổi lễ ngày mai vv..). Cho y phục là cho nhan sắc, chúng ta biết rằng cho y phục đây chỉ là một trong nhiều thứ cho, ví dụ mình dâng hoa cúng Phật, dọn đường quét sân, sống trong từ tâm thì đời sau kiếp khác sinh ra mình cũng là người đẹp, có nhan sắc. Trong kinh nói Đức Phật có cặp mắt rất đẹp đến nỗi kẻ thù nhìn ngài cũng chùng lòng. Giọng nói của ngài dù người ghét nghe cũng chùng lòng, là vì trong nhiều đời Thế Tôn tu hạnh từ tâm, không nhìn người khác bằng sân tâm, không liếc ngang ngó dọc, háy nguýt người khác. Muốn có giọng nói thanh tao thì không nói lời ác độc, không nói lời sân tâm, luôn luôn dùng ngôn ngữ của mình để đem lại sự hòa giải đoàn kết với người khác. Tôi nghĩ kiếp trước chắc tôi chửi lộn hay sao đó, giờ cái giọng của tôi nó vậy, tôi rất sợ nghe lại tôi giảng, tôi sợ đến mức sáng sáng tôi vô room nghe người ta mở băng tôi khó chịu, tôi chói tai, đang bận tôi phải giơ tay lên cho quí vị tắt. Cho nên chuyện Đức Phật trả lời ở đây chỉ trong trường hợp này thôi, cho y phục là cho nhan sắc. Nếu không có ăn thì không sống được nên cho thức ăn là cho sức khỏe. Trong chú giải nói cho y phục cũng vậy. VN có câu “người đẹp vì lụa”. Các y phục trong phim Hàn được xem là rất chuẩn để VN bắt chước, dầu là vai nhà nghèo vẫn ăn mặc vừa vặn, ly tách đàng hoàng. Trong phim Hongkong, TQ hễ nghèo là ăn mặc gì cũng được, còn Đại Hàn khi đã lên phim rồi thì ăn mặc rất chuẩn, một cô bồi bàn, áo quần dù rách dù dơ cũng vừa vặn rất chuẩn, áo quần ok thì con người ngó cũng được, vì vậy mới nói người đẹp nhờ lụa. Cũng từ câu này mà người ta sống nặng hình thức. Cho xe cộ, phương tiện đi lại thì cho sự an lạc, để được an lạc thì có một tỷ cách, nhưng trong trường hợp bài kinh này thôi, Đức Phật nói để cho người ấy có thể thực hiện được.
‘‘Na hatthiyānaṃ samaṇassa kappati,
Na assayānaṃ, na rathena yātuṃ;
‘‘Na hatthiyānaṃ samaṇassa kappati”, cho người đời xe cộ thì được, nhưng đối với Samôn, “hatthiyānaṃ” (cho voi) assayānaṃ (cho ngựa) na rathena yātuṃ thì không có được, mà chỉ cho giày dép; không được cho xe cho voi cho ngựa. Đối với mấy ông sư thời nay mà chỉ cho giày dép không cho xe thì mấy ổng buồn lắm. Đối với ngày xưa, chứ ngày nay chứ quí vị cho tôi chiếc Lexus hay Mercedes hay Rolls Royce thì tôi không từ chối, lấy liền. Giúp người ta phương tiện đi lại là cho sự an vui. Muốn có sự an lạc thì có nhiều cách khác nhau, nhưng trong trường hợp này Thế Tôn chỉ nói phương tiện đi lại.
Yàna: xe, phương tiện đi lại. Tiếng Hán có chữ “thừa”. Bà-la-môn giáo kêu PG Nguyên Thủy là Tiểu thừa. VN hoặc Tàu cũng xài, Hìnayàna: tiểu thừa, xe bốn bánh, xe con, xế hộp. Đại thừa là Mahàyàna: xe tải, xe 18 bánh. Theo như trong luật thì tỳ kheo vô bệnh không mang giày dép, nhưng ngày nay rất khó. Các sư ở các xứ châu Á (Thái Miên, Tích Miến, Việt Lào) tay phải để trần trụi bên ngoài, nhưng ở Âu Mỹ thì kỳ, trong cái nhìn của người khác là hơi khiếm nhã, nên không mặc như vậy. Người đầu tiên tiếp nhận nền văn hóa Âu Mỹ tới nơi tới chốn và phát minh ra cái áo tay dài là Walpola Rahula, vị này có bằng tiến sĩ đại học Sorbonne, Pháp, tác giả cuốn What The Buddha Taught, rất là nổi tiếng, ngang với cuốn Đức Phật và Phật Pháp của ngài Narada và vị Walpola Rahula có nhiều công trình lớn, đặc biệt là trong bộ Encyclopedia Britannica người ta có mời ngài viết một chữ “Đạo Phật”. Quí vị nghe quí vị coi thường có gì đâu ghê gớm, nhưng tại sao người ta phải đi tìm người chuyên trách một chữ Đạo Phật. VN có giáo sư Bửu Kế làm bộ Tầm Nguyên Tự Điển, ông ta định nghĩa “Tam muội” là ba thứ làm ta mê muội, tức tham sân si. Ngài Walpola Rahula đã dịch lần đầu tiên quyển Abhidharmasamuccaya (A-tỳ-đàm tập luận) từ tiếng Sanskrit qua tiếng Pháp, bộ này giờ đã dịch ra tiếng Anh, là một trong những tài liệu tham cứu về A-tỳ-đàm của Hữu Bộ rất xuất sắc, tương đương bộ A-tỳ-đàm Câu Xá hay là Tỳ Bà Sa, Phát Trí Luận.
Tôi mong rằng thông qua lớp học này tôi gởi đến bà con một số thông tin, kiến thức bách khoa mà bà con bắt buộc phải biết nếu muốn nghiên cứu Phật pháp tới nơi. Ngoài những bộ tôi giới thiệu có 3 bộ quan trọng là bộ Câu Xá, Tỳ Bà Sa, Phát Trí Luận, ai dưới 40 tuổi thì nếu dịch được thì dịch, còn không thì đọc.
‘‘So ca sabbadado hoti, yo dadāti upassayaṃ;
Upassayaṃ: chỗ ở, chỗ náu thân. Cho chỗ ở là cho tất cả. Tại sao người ta đổ dồn về những thành phố lớn để ở, Trung Quốc rất rộng tại sao Bắc Kinh Thượng Hải mật độ dân số ở mức kỷ lục? Vì đi học thì được học trường lớn, đi làm thì lương cao, có nhiều điều kiện để theo đuổi giấc mộng đời (ca sĩ, diễn viên). Sài Gòn cũng vậy, miền Tây, miền Bắc cũng đổ lên. Nhiều khi chỉ cần một chỗ ở như ý, người ta có điều kiện để làm được nhiều việc. Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, cho đến hiện tại tôi vẫn chưa có một chỗ để gọi là an cư, lạc nghiệp. Hơn ai hết ngay lúc này tôi thấm thía câu nói, cho chỗ ở là cho tất cả.
Amataṃ dado ca so hoti, yo dhammamanusāsatī’’ti.
Câu cuối cùng mới quan trọng, những câu đầu như mấy câu dạo thôi giống như là “gió đưa bụi chuối sau hè” câu thứ hai mới ghê “anh mê vợ bé bỏ bề con thơ”. Những câu dạo đầu: bố thí thực phẩm là bố thí sức mạnh, bố thí y phục là bố thí nhan sắc, bố thí phương tiện đi lại là bố thí niềm hạnh phúc, bố thí chỗ ở là bố thí tất cả, cái cuối cùng là dhammamanusāsatī có nghĩa là bố thí pháp. Giảng pháp cho người khác là ban bố sự trường sanh bất tử cho họ, không nghe được chánh pháp thì người ta mù mờ. Anusāsatī là giảng dạy, hướng dẫn. Dhammamanusāsati: giảng dạy chánh pháp. Amataṃ dado là ban bố chia sẻ cứu cánh bất tử. Mình thấy chuyện nghe pháp mà mình không quan tâm thì thôi, đâu có chết ai, những người không biết đạo họ vẫn sống vui vẻ. Nhưng đối với riêng tôi, tôi không hình dung được tôi sẽ ra sao nếu tôi không biết Phật pháp. Càng hiểu Phật pháp thì mới thấy ân đức của Đức Phật đối với chúng sanh lớn vô cùng, tôi nói một điều rất long trọng ở đây, càng học Phật pháp mình sẽ hiểu được nhiều hơn, biết được con đường mình sẽ đi, không gì kinh hoàng cho bằng một ngày nào đó mình nhìn lên trời cao thăm thẳm, mình không biết bên ngoài quả đất này nó còn cái gì nữa và đi về đâu, mình là ai, ở đâu tới và bây giờ mình phải làm gì. Tôi biết có nhiều người nói tôi, người ta sống có ai để ý đến những chuyện đó đâu, nhưng có người rất khổ tâm vì họ không biết những điều đó, họ là ai, sẽ đi về đâu, tại sao kẻ ăn không hết người lần không ra, tại sao trên đời có quá nhiều những bất công, tại sao và tại sao???. Mình chỉ cho pháp tức là cho họ câu trả lời. Pháp ở đâu ra? Từ lời dạy của Đức Phật. Đức Phật dạy rằng trên đời này có ba hạng người khó tìm:
1. Vị chánh đẳng giác
2. Người thuyết giảng pháp của vị Chánh đẳng giác
3. Người tri ân, báo ân.
Hạng thứ ba, tại sao người tri ân là khó tìm? Có chút tuổi đời, có chút va chạm mới biết là khó tìm thiệt. Mười năm qua, ví dụ tháng nào tôi cũng gởi thằng Tèo 500 đồng, đến năm thứ 11 tôi nói tôi không còn khả năng đó nữa. Theo tôi được biết, 95% trường hợp, khi người ta nghe nói như vậy người ta giận. Cứ tốt với người ta, chứ có lòng mong đợi hồi báo thì chỉ có thất vọng thôi, vì bản chất đời sống tàn bạo khốc liệt nó dễ ghét như vậy đó. Và người ta có một tỷ lý do để người ta quên ơn, lý do để nhớ ơn thì ít lắm. Nhiều người lạ lùng một chỗ là họ sợ sự thật, họ nghe mấy cái này họ chối phăng à, “làm gì có ai tệ như vậy”, không biết vì họ tốt hay vì họ quá thơ ngây. Tôi không phải là người gian hùng hay lăn lóc chợ đời gì, nhưng tới tuổi này tôi đã thấy được chuyện đó, tìm được người biết tri ân khó vô cùng. Bây giờ ba má quí vị nằm liệt giường, tôi nuôi mười lăm mười tám năm, cơm nước hầu hạ, dọn dẹp đồ dơ uế bất tịnh, quí vị sẽ nói “trời ơi sư giúp má con, giúp ba con…” chứ thử lỡ tôi lăn đùng ra tôi bịnh, quí vị vô lo cho tôi được một tháng quí vị gớm muốn chết luôn. Không phải tôi lo cho ba má quí vị mà tôi lo cho quí vị đó nhen, mổ xẻ trong bệnh viện, một mình một thân, nằm dưới sàn sát cái bô ống nhổ, tôi nằm tôi nuôi quí vị chín tháng trong đó, tanh tưởi, hôi thối biết bao nhiêu, lỡ tôi nói câu gì làm quí vị tự ái thì chín tháng đó có còn hay không, quí vị tự hỏi lòng mình, không cần phải trả lời cho tôi. Có câu chuyện nhỏ nhỏ lạc đề, Thượng Tọa Thích Hoàng Pháp đối với tôi còn hơn cả cha nữa, Thượng tọa có 5 người cháu, nhưng lạ một điều người ngủ chung một giường nhiều nhất với thượng tọa là tôi, từ năm 1977, đi đâu thượng tọa cũng cho tôi đi theo. Tôi đi ra nước ngoài 15 năm trời tôi chưa gọi thượng tọa một lần. Thời gian trước gọi khó, mình dựa vào chuyện khó mình không gọi, về sau này tôi nghĩ mình không có gì trong tay hết, gọi về đâu có chuyện gì để khoe, còn kể chuyện buồn thì buồn một mình không đủ hay sao còn kể người khác, cứ nghĩ vậy mà rồi thì từ sư cậu đến người quen tôi không kêu ai hết. Bao nhiêu ân tình ngày xưa từ từ phai lạt đi. Mình không phải là người đâm cha chém chú vong ân bội nghĩa mà mình còn như vậy, thử hỏi thiên hạ còn lại bao nhiêu. Kỳ vừa rồi về thăm sư trưởng bị bệnh, khi ra đi sư trưởng nói tranh thủ về thăm, biết đâu không còn dịp nữa. Tôi đi rồi lại còn muốn trở vô lần nữa, vì không biết còn dịp trở lại nữa hay không, nhưng vô lại rồi sao đây. Tống quân thiên lý chung nhất hữu biệt tiễn người ngàn dặm rồi cũng đến lúc chia tay, thôi thì đi, đi mà lòng không yên. May mà tôi biết Phật pháp mà tôi còn bạc lòng như vậy, huống chi không biết Phật pháp thì còn bạc thế nào nữa.
Hạng thứ nhì là người nói pháp, không nghĩa là sống cuộc đời cứ rao giảng cho người ta mà quan trọng là có giảng đúng ý kinh hay không, có giảng vì lòng từ hay không, có giảng vì mục đích danh lợi, hay vì lợi ích của người nghe hay không, đó mới gọi là người nói pháp. Có thấm thía, có tiêu hóa, có chia sẻ bằng tấm lòng của người nói pháp chứ không phải là nói thâu băng cassette rồi phát. Hạng người thuyết pháp này khó tìm vì chỉ có trong thời Phật Chánh đẳng giác ra đời mà thôi.
Hạng thứ nhất là Phật, Phật là người cái gì ngài cũng biết, ai ngài cũng thương, phước lành nào người cũng có. Đêm cuối cùng khi Đức Phật sắp tịch diệt, chư thiên về hầu Phật dày đặc trong 12 do tuần vuông, Đức Phật nói với ngài Ananda: “Này Ananda, rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Này Ananda, cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinàrà, Upavattana, rừng Sàlà thuộc dòng họ Mallà, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy những thiên thần có uy lực tụ họp”. Nghĩa là khi họ biết ngài sắp đi rồi họ chỉ nhớ một chuyện làm rung động người, đó là con người duy nhất hiểu rành mình hơn là mình, người duy nhất cho mình biết mình sẽ đi đâu về đâu, đó là vị Chánh đẳng giác…vậy mà đêm nay là đêm cuối cùng gặp vị ấy. Có ai mà thương người khác như là ngài, nhiều lắm họ thương mình, kế đến là thương người thân thích bà con, có ai mà thương chúng sinh như là một vị Bồ tát, người ta giết mình để đoạt mạng, mình vẫn không giận người ta, chỉ có Bồ tát mới làm được điều đó. Trong kinh nói có những kiếp trái đất chỉ có một vị Phật thôi, tiếng Pali là sàrakappa. Kiếp hai vị Phật là mandakappa. Kiếp 3 vị Phật là varakkappa. Kiếp 4 vị Phật là sàramandak. Kiếp 5 vị Phật là bhaddakappa (hiền kiếp). Kiếp không có Phật ra đời là sunna kappa[1] . Sàra là cốt lõi. Maṇḍa là tinh túy (essence) (Khác với manda: slow; dull; lazy; foolish). Vara là excellence. Trong sáu trường hợp này thì trường hợp không có Phật ra đời thì nhiều lắm. Sau trái đất này, một A-tăng-kỳ đại kiếp không có Phật nào ra đời, chỉ có Phật độc giác, các ngài ấy tự ngộ mà cũng không độ ai hết. Sau A-tăng-kỳ đó có trái đất đầu tiên, có hai vị Phật là Ma vương và vua Pasenadi. Có ba cơ hội để mình đi nhanh: (1) 5000 năm xá lợi gom lại thuyết pháp lần cuối. (2) Gặp Phật Di Lạc. (3) Chứng ngộ trong thời giáo pháp này.
[1] Xem thêm trong bài kinh Vườn Hoan Hỷ
(Diem Tuyet ghi chép từ room Vietheravada, sư Toại Khanh giảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét