Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Bahiya

KINH BAHIYA


Hôm nay mình học kinh Bahiya. Thưa với quí vị rằng chúng tôi không có thấy chú giải của kinh Bahiya này. Đó là một chuyện lạ, nhưng chúng ta có một giai thoại thế này:
Thời Phật có một người thương buôn tên là Bahiya đi thuyền rồi bị trôi dạt lên một vùng biển, trên người không còn áo quần gì hết. Vị này lấy vỏ cây để mặc. Những người ở VN chắc không hình dung, nhất là những người rời VN sớm thì không thể nào biết được áo quần bằng vỏ cây. Người dân ở đây gọi ông ta là Daruciriya nghĩa là “người mặc áo bằng vỏ cây”. Gọi đầy đủ là Bahiya Daruciriya. Quí vị nào trong room này chuộng chữ nghĩa văn thơ, tôi sẽ cho quí vị một từ rất đẹp:
Bahiya = bahika, có nghĩa là người phương ngoại.
Không biết ở đây có ai biết quyển “Sen nở trời phương ngoại” của HT Thích Nhất Hạnh? Người phương ngoại là người ở bên ngoài phố xá phồn tạp, người sống ở giữa mây ngàn hạc nội, không dính líu nhân gian phiền phức, chữ này mang ý nghĩa tích cực. Còn có nghĩa xấu hơn là “người cõi trên” theo cách gọi dân gian. Bahiya là tên ngẫu nhiên tình cờ cha mẹ đặt thôi, nhưng có ý nghĩa đẹp gợi ý cho quí vị, biết đâu một ngày nào đó sẽ có nickname trong room hoặc facebook tên là Bahiya,
Những người dân ở đây từng thấy những vị tu sĩ không mặc quần áo gì hết, hoặc mặc quần áo bằng da thú, bằng tóc người bện lại, cũng có bằng vỏ cây, nay thấy ông này mặc áo quần bằng vỏ cây nên nghĩ ông là một người tu hành chân chính. Họ cung kính gọi ông là bậc thánh.
Về phần Bahiya, đang đi buôn vốn liếng của nã mất sạch, trôi dạt đến xứ này, được người ta cơm dưng nước rót và suy tôn bằng thánh, nên rất chi là thích.
Trong kinh nói có một vị thọ thần, vốn là bạn thân của Bahiya kiếp trước, biết ông này vốn là người trí tuệ. Vị thọ thần này cũng là một Phật tử có biết đức Phật, nên tìm cách gặp gỡ Bahiya và nói: - Người ta nói ông là thánh, nhưng ông không phải là thánh. Nếu ông muốn làm thánh thiệt, tôi chỉ cho ông một cách. Ở Sàvatthi có một bậc đại thánh. Nếu ông không phải là phường giá áo túi cơm gạt người để sống thì nên tìm đến vị đó để làm thánh thứ thiệt.
Do tiền duyên, Bahiya nghe vậy thì rất xúc động. Kiểu như ở trong room này mình đang sống đời cha chú mà nghe người ta nhắc vậy mình đâu có thèm, thà thánh dỏm nhưng mà sướng còn hơn bỏ chỗ êm ấm này đi tới chỗ khác làm thánh thiệt không biết có làm được không mà trước mắt không được sung sướng. Thế nhưng Bahiya thì không, ông tỉnh ngộ. Ông tìm đến vùng biển Sàvatthi tìm đức Phật. Nhằm lúc đức Phật đang đi khất thực đang đi bát, ngài vừa nhìn thấy đã nhận biết Bahiya là ai, ngài biết Bahiya đã tu trăm ngàn đại kiếp, tương đương với ngài A Nan, ngài Ca Diếp, lúc lạc bước đường trần nên phải chịu tả tơi.
Bahiya đến quì xuống trước đức Phật và thưa: - Con nghe nói ngài là thánh, và biết cách dạy cho người khác thành thánh. Xin ngài dạy cho con biết điều gì đó để con có thể trở thành thánh như ngài. Đức Phật đáp: -Ta đang giờ khất thực, ta không thể thuyết pháp cho ai, đây không phải là lúc để nói chuyện.
Cũng do tiền duyên, Bahiya cứ năn nỉ, lần thứ nhất, lần thứ nhì lần thứ ba. Đức Phật nói: - Thôi được, ta đang đi khất thực, ta không thể nói nhiều, ta chỉ nói cho ngươi nghe một ít thôi.
Có hai dị bản, dị bản thứ nhất là bài kinh này.
Dị bản thứ hai, Đức Phật dạy rằng:
dittham ditthamattam bhavissati: thấy chỉ là thấy mà thôi
sutam sutamattam bhavissati: nghe chỉ là nghe mà thôi, không có người nghe, không có ai nghe
mutam mutamattam bhavissati: ngửi, nếm, đụng, chỉ là ngửi, nếm. đụng, không có ai làm việc đó. Chữ muta ở đây chỉ chung cho cả ba giác quan, nếu dịch gọn là cảm nhận.
vinnatam vinnatamattam bhavissati: suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, không có ai suy nghĩ cả.
Phần sau cũng chỉ là giải thích mấy câu này, sẽ giải thích trong bài học ngày mai khi bài kinh malunkyaputta sutta, bài kinh đó có nội dung giống hệt bài kinh Bahiya trong Tiểu Bộ. Thế nên người nào từng đọc bài kinh bên kia rồi đọc qua bên đây sẽ cảm giác ngờ ngợ bài kinh này giống bài kinh kia. Một điểm nữa là bài kinh malunkyaputtasutta này có nội dung giống hệt bài kinh Bahiya, mà kế bên đây là bài kinh Bahiya lại có nội dung không giống như vậy. Điều này rất dễ ngờ rằng có nhầm lẫn nào đó trong kỳ kiết tập hoặc trong việc thọ trì ghi nhớ của các vị thời xưa. Dĩ nhiên đây chỉ là tồn nghi (treo lại đó chưa giải quyết được), chúng ta cứ y theo bản tiếng Việt, vì trách nhiệm nên tôi chỉ cho biết như thế mà thôi, vì lẽ ra bài kinh malunkyaputtasutta mà sắp tới chúng ta sẽ học có nội dung y chang như một dị bản mà ở đây trong kinh Bahiya có nội dung như chúng ta đang thấy. Ở đây ngài Bahiya đến gặp đức Phật và xin ngài thuyết cho nghe một ít giáo pháp để hành trì. Đức Phật chỉ hỏi vị này mấy câu căn bản mà ta thường thấy ở các kinh đó là về: sáu căn, sáu trần, sáu xúc, sáu thọ về vô thường. Ngài hỏi vô thường buồn hay vui. Bahiya trả lời vạn sự vô thường thì là rất đáng buồn. Đức Phật dạy rằng: nếu đáng buồn như vậy thì mình có nên xem nó là mình hoặc của mình hay không. Có ai trên đời này dại khờ đến mức nhận một di sản buồn như “gia tài của mẹ để lại cho con một núi đầy mồ, gia tài của mẹ để lại cho con một lũ bội thề” [1]? Khi mình biết rõ 6 căn (6 giác quan), 6 cảnh (6 đối tượng của 6 giác quan), 6 thức (cái biết của 6 giác quan). 6 căn 6 cảnh 6 thức cộng lại là biết. Ví dụ như khi mình thấy hoa đẹp, lá đẹp vv… để hoàn thành cái thấy đó cần phải có 3 thứ: 1/ thần kinh thị giác, (mù là không được) 2/ Có cái để mình nhìn, 3/ Cái để nhìn cộng với thần kinh thị giác cộng với khả năng thấy của tâm; ở đây gọi là nhãn thức. Với căn cảnh và thức cộng lại khi đó mới hoàn tất việc “thấy”, thiếu 1 trong 3 là không được, và cái “thấy” này được gọi là nhãn xúc. Từ nhãn xúc dẫn đến nhãn thọ, rồi dẫn đến ái, (thích hay không). Đức Phật dạy: 6 căn, 6 cảnh, 6 thức là vô thường nên 6 xúc cũng vô thường vì đó là lâu đài xây trên cát, do vậy 6 thọ cũng là lâu đài trên cát. Nếu chúng ta là một hành giả hay là một người có giây phút tịnh tâm quán chiếu chúng ta sẽ thấy toàn bộ đời sống của mình chỉ là những lâu đài trên cát, là vì bản thân nỗi khổ niềm đau, thương, thích, ghét, sợ chỉ là những cảm giác, những cảm xúc, những tâm trạng rất là phù du, lúc có lúc không. Bản thân đối tượng làm cho mình buồn-vui- thương-thích- ghét -sợ đó cũng lúc này lúc khác cho dù nó là một ngọn núi hay đại dương. Ngay trong cái thấy đã vô thường, đối tượng thấy cũng vô thường, cảm xúc chúng ta có được khi thấy cũng vô thường. Hình ảnh, đối tượng, bối cảnh, tâm trạng tất thảy đều vô thường. Sáu căn sáu cảnh sáu thức sáu thọ đều vô thường. Khi ấy, đức Phật hỏi ngài Bahiya: Như Lai đã nói cạn lời như vậy rồi, vậy ông nghĩ sao, có đáng để nghĩ rằng “tôi và của tôi” không? Bahiya thưa không. Sau khi Đức Phật vắn tắt xong và ra đi, Bahiya ngồi lại bên đường và quán chiếu y như lời Phật dạy. Ông ngồi nghe lá rơi và biết rõ đây chỉ là âm thanh, chỉ có cái nghe, không có người nghe. Lát sau nắng rọi xuống, mồ hôi chảy lên trán nóng nực khó chịu, vị này biết chỉ có sự khó chịu chứ không có người khó chịu; chỉ có cái nóng chứ không có người chịu nóng. Với công lực thâm hậu của quá khứ đã tu một trăm ngàn đại kiếp, ngay trong một khoảnh khắc vị này thấy rõ một cách xuyên suốt, hoàn toàn không có cái gì gọi là Bahiya, và xung quanh đây mọi người cũng chỉ là một tổ hợp phù du của căn-cảnh-thức-xúc-thọ. Ngài đứng dậy, nghĩ rằng sẽ đi tìm kiếm một bộ y và bình bát để xuất gia, vì ngài biết rõ trong thân phận của một vị la hán nếu không xuất gia thì trong thời gian tối đa 7 ngày ngài sẽ chết. Ngài không có lòng sợ chết cũng không có lòng ghét sống, nhưng khi ngài lên đường đi tìm lá y thì bị một con bò húc thủng tim, tử nạn. Lát sau, đức Phật trên đường trở về, thấy vậy liền cho người đem xác về chùa làm lễ hỏa thiêu, trong điều kiện cho phép lượm đá sỏi kết lên làm tháp vì đây là di hài của một vị a la hán. Khi biết một vị a la hán viên tịch trong khuôn viên chùa Kỳ Viên là Đức Thế Tôn luôn dạy cho tỳ kheo cùng nhau lượm củi khô hỏa thiêu, đất đá đáp tháp. “Đất khô ta nặn tượng vàng cho nhau”[2]. Có người hỏi đức Phật, vì sao có một người đơn giản sáng ngồi lề đường chiều vô tháp vậy. Đức Phật nói: Vịnày đã tu 100 ngàn đại kiếp dưới thời Padumuttara. Cách đây 100 ngàn đại kiếp, vị này đi vào chùa nghe pháp thấy đức Phật vinh danh một vị tỷ kheo là đệ nhất tốc chứng, có nghĩa là chứng thánh trong thời gian nhanh kỷ lục. Vị này thích quá nên làm phước cúng dường nguyện đời sau cũng được vậy. Khi duyên thành quả mãn, vị này gặp Đức Thích Ca Mâu Ni nhưng sau khi đắc quả thì lại viên tịch trong một hoàn cảnh không đẹp dù đã là A la hán. Đức Thế Tôn nói lý do là cách đây nhiều đời có 5 cậu công tử vào một ngày lễ hội, đã hùn tiền nhau thuê một danh kỹ. Người kỹ nữ này lại là một tín đồ của thời trang rất khoái kim cương hột xoàn và đeo trang sức đầy người. Năm vị công tử này thấy nhiều trang sức quá nên bóp cổ cô kỹ nữ này chết. Cô này có lời nguyền thật nhanh: “Nếu còn có kiếp sau, mấy người có đi cùng trời cuối đất thì kẻ hèn này xin được theo hầu tới nơi tới chốn”. Sau lời nguyền đó, suốt nhiều đời nhiều kiếp, cô này đã xử tử 5 công tử này. Xui cho cô, năm cậu công tử đó là năm vị tu hành quá nhiều kiếp, cỡ 100 ngàn đại kiếp trở lên trong 5 cậu công tử thì có 4 cậu chứng thánh. Cô kỹ nữ năm xưa sanh làm Dạ xoa, theo dõi từng người một và giết từng người một. Quả xấu của Dạ xoa là giết nhầm 4 ông thánh , thấp nhất trong đó là A na hàm, một người vĩnh viễn lìa xa 5 hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân. Còn Alahán là người dứt điểm 5 thượng phần kiết sử là sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Sau khi húc chết vị này, con bò trở lại bình thường.
Trong cuộc luân hồi, mỗi phàm phu nào cũng có mang theo hai cái thùng, một thùng thuốc nổ và một thùng diêm. Thùng thuốc nổ là quả xấu của mình trong quá khứ. Thùng diêm là phiền não của mình trong hiện tại. Khi thùng thuốc nổ nổ nhằm lúc quả xấu trổ thì thùng diêm được kích hoạt. Khi có quả lành thì đi đâu luôn gặp quới nhơn phù trợ.
Trở lại bài kinh nghe cả tháng nay, chỉ nghe hoài còn thấy nản, sao không thấy nản khi cưu mang nó một đời và muôn kiếp sinh tử? Có lần đức Thế Tôn đi khất thực ngang qua cánh đồng, nghe một anh nông dân nói: “Người sức vóc khỏe mạnh mà cứ đi ăn mày, ngày nào như ngày nấy cứ xin mãi”. Ngài nói: “Ta đi xin lần này lần chót, kiếp này là kiếp chót. Nếu ngươi tiếp tục tham sân si sẽ đi cày ruông dài dài kiếp này rồi kiếp khác”. Nói rồi ngài đọc bài kệ:
Kiếp này rồi kiếp khác.
Phàm phu đi tái sanh.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Người thiện về thiên giới.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Người ác bị sa đọa.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Phàm phu mãi tái sinh.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Cuộc đời là như vậy.
Ngài lặp tới lặp lui mười bốn lần chữ punappunan. Một khi đức Thế Tôn khai kim khẩu là có duyên sự cực kỳ lớn, vì sao ngài lại đi ngang cánh đồng đó và gặp người nông dân đó. Sau khi nghe Thế Tôn, người nông dân quì xuống: "Như là một người bị nhốt trong bóng tối nhìn thấy ánh sáng, như người bị té được đỡ đứng dậy, con đã hiểu và xin trọn đời qui ngưỡng Đức Thế Tôn. Xin ngài nhận phần cơm của con."
Đức Thế Tôn nói: Chính vì ta nói chuyện với ngươi mà có một bữa ăn như thế này, chư Phật không bao giờ thọ dụng bữa ăn có từ lời nói. Hãy đem đến chỗ nào không có côn trùng thì đổ xuống.





--
Diem Tuyet 
ghi trong FB  13. 1. 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét